Tin sự kiện

FECON - Hướng tới cộng đồng doanh nghiệp mạnh, khỏe và chuyên nghiệp

  • 26.04.2016
  • |
  • 2574 (Lượt xem)

Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với Doanh nghiệp năm 2016 với chủ đề Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế của đất nước sẽ diễn ra vào ngày 29/4 như một thông điệp về sự “thần tốc, táo bạo” của Chính phủ trong việc tạo điều kiện thuận lợi nhất để khởi nghiệp, kinh doanh, thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển cả về số lượng và chất lượng. Nhân dịp này, tạp chí VBF đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Việt Khoa, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Kỹ thuật nền móng và công trình ngầm FECON. 

FECON

Ông Phạm Việt Khoa - Chủ tịch Công ty FECON đã lèo lái FECON từ những bước đầu tiên trở thành doanh nghiệp mạnh

Với tinh thần đưa Việt Nam trở thành “Quốc gia khởi nghiệp”, ông là người đã lèo lái FECON từ những bước đi khởi nghiệp chập chững đầu tiên (6/2004) đến vị thế ngày hôm nay. Xin ông chia sẻ đôi chút về bài học khởi nghiệp của FECON.

Tôi cùng những người bạn thân thành lập FECON vào năm 2004. Khi đó, chúng tôi rời bỏ vị trí là những cán bộ nhà nước với mức thu nhập ổn định, để lập nghiệp. Vốn liếng giá trị nhất khi đó là kiến thức tích lũy được sau những năm tháng trong trường đại học và 6 năm lặn lội công trường.

Với suy nghĩ, người ta xây nhà, phải xây từ móng, nên chúng tôi quyết định chọn hướng đi khá đặc thù cho doanh nghiệp là thi công nền móng công trình. Chúng tôi cũng xác định, không thực hiện đơn lẻ từng sản phẩm hay dịch vụ như đa số đơn vị đang làm, mà chọn cách thức triển khai gói giải pháp tổng thể cho nền và móng, từ khâu khảo sát, thí nghiệm, thiết kế, sản xuất đến thi công, quan trắc, bảo trì nền và móng… Trải qua hơn 10 năm kinh doanh, vượt qua những giai đoạn đặc biệt khó khăn của nền kinh tế - năm 2008 – 2009, chúng tôi đã chứng minh được rằng, hướng đi đặc thù theo một chuyên ngành sâu là một trong những yếu tố giúp FECON vượt qua bão táp.

Theo số liệu từ Tổng cục thống kê, chỉ riêng trong quý I/2016, số Doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động, giải thể lên đến trên 20,000, chiếm khoảng 84% số DN thành lập mới và theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM tình trạng trên là rất không bình thường. Ông có nhận định như thế nào về tình trạng trên?

Năm 2016 đã khởi đầu với những khó khăn nhất định, khi mà thế giới đang phải đối mặt với những bất ổn về an ninh, vấn đề di cư ở châu Âu, sự giảm tốc của một số nền kinh tế lớn… đã có những tác động đến nền kinh tế chung. Bên cạnh đó, Việt Nam đã và đang tham gia vào một loạt những hiệp định thương mại tự do, cạnh tranh trở nên gay gắt hơn trong khi các doanh nghiệp thực sự vẫn chưa sẵn sàng, năng suất lao động của chúng ta vẫn ở mức thấp…

Số doanh nghiệp đóng cửa tăng, bên cạnh những khó khăn chung, còn chứng tỏ môi trường cho doanh nghiệp vẫn chưa được cải thiện, bao gồm gánh nặng thuế, phí; Biến động nhu cầu thị trường về sản phẩm và dịch vụ; Môi trường kinh doanh không ổn định; Các thủ tục hành chính rườm ra, các quy định, dịch vụ tài chính khó khăn… Vì thế, tôi hi vọng rằng chính phủ sẽ có những động thái mạnh mẽ hơn trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp, về vốn, về mặt bằng sản xuất, những ổn định về môi trường kinh doanh, sự minh bạch về thông tin… để các doanh nghiệp có điều kiện phát triển.

Về phía các doanh nghiệp, tôi cho rằng, chúng ta cần chuẩn bị cho mình một chiến lược kinh doanh phù hợp, xác định được mảng kinh doanh mũi nhọn, riêng biệt; Cải tiến quản trị doanh nghiệp và chuẩn bị nguồn nhân sự thiện chiến để có đủ bản lĩnh đương đầu với khó khăn.

Phu ly

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông kỳ vọng và mong muốn gì ở nhiệm kỳ mới của chính phủ?

Với nhiệm kỳ chính phủ mới đầy nhiệt huyết, năng động và cam kết, chúng tôi cũng như nhiều doanh nghiệp khác, rất kỳ vọng vào sự phát triển bứt phá của nền kinh tế trong đó có sự đóng góp quan trọng của lực lượng doanh nhân/ doanh nghiệp.

Trong bài phát biểu đầu tiên của Thủ tướng sau khi nhậm chức, chúng tôi đã thấy một tín hiệu đáng mừng với thông điệp “Không để các doanh nghiệp kiệt sức”. Tôi hi vọng, điều này sẽ được thể hiện mạnh mẽ bằng hành động trong thời gian sắp tới. Theo đó, Chính phủ sẽ lắng nghe những vấn đề của doanh nghiệp, tạo ra một môi trường công bằng để các doanh nghiệp cạnh tranh sòng phẳng, đồng thời cũng có những chính sách cụ thể, ưu đãi rõ ràng, và sát cánh giải quyết những vướng mắc của doanh nghiệp.

Nhiệm kỳ Chính phủ mới cũng là thời điểm mà các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới bắt đầu được thực thi, đòi hỏi những sự thích ứng cụ thể cả về thể chế, pháp luật cũng như những định hướng phát triển phù hợp. Tôi hi vọng, Chính phủ - với những thành viên trẻ, trình độ cao với một tâm thế phục vụ, coi người dân và doanh nghiệp là khách hàng, sẽ tạo nên đột phá cho môi trường đầu tư kinh doanh Việt Nam.

Thông qua chuyên đề, ông có ý kiến đóng góp gì gửi tới độc giả và Hội nghị?  

Khởi nghiệp là phong trào quan trọng và lâu dài cho nền kinh tế, vì hơn ai hết, cộng đồng doanh nghiệp sẽ kiến tạo nền kinh tế. Vì vậy, muốn nền kinh tế phát triển mạnh & bền vững, thì nhiệm vụ phát triển cộng đồng doanh nghiệp ngày càng đông đảo, mạnh mẽ và chuyên nghiệp là nhiệm vụ mang tính tiên quyết của toàn xã hội.

Đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp, đặt mình vào vị trí này, tôi sẽ rất cần nhận được đầy đủ thông tin về chính sách của chính phủ liên quan đến DN, đầu tư, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ DN nhỏ và vừa tại các vùng nông thôn, DN trong ngành nông nghiệp. Bên cạnh đó cần nhận được hỗ trợ từ các hoạt động hướng nghiệp, xây dựng chiến lược và quản trị công ty từ các tổ chức có uy tín./.

Theo Business Forum

Tin liên quan

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *